Lần đầu tiên tôi bắt đầu làm việc tại nhà vào năm 2019. Đó là thời điểm tôi mới nghỉ việc tại Báo Mua Bán. Tôi không phải là những người đầu tiên chọn cách làm việc tại nhà, nhưng cho đến thời điểm hiện tại tôi đã có đủ thời gian để làm mọi thứ đúng và sai.
Bạn phải biết nắm bắt cơ hội
Lý do trước đây bạn phải đến văn phòng làm việc 8 tiếng 1 ngày là gì ? Có thể là sếp bạn muốn vậy, ông ta sợ nếu bạn không đến công ty, đồng nghĩa bạn sẽ không làm việc. Một lý do nữa để bạn đến công ty, là ở đó có đồng nghiệp, bạn có thể chia sẻ, vui đùa, tán gẫu với họ ở đó cả ngày mà không thấy chán. Lúc đó bạn đã tự nghĩ bụng rằng, nếu phải làm việc một mình chắc hẳn bạn sẽ rất cô đơn, rất buồn chán. Một số bạn khi không làm công ty nữa, đã mang lap ra cafe để làm. Uhm để làm gì à, để tìm nguồn cảm hứng, để có máy lạnh và quan trọng hơn là “Ngắm gái đẹp, trai xinh” :D.
Làm việc tại nhà, đồng nghĩa bạn phải đối mặt với việc cô đơn, không có người tán gẫu, và cơ hội giao lưu, trau dồi kiến thức chéo sẽ bị hạn chế lại. Để đem lại hiệu quả khi làm việc ở nhà, đòi hỏi bạn phải có một mức độ kỷ luật cao. Ngôi nhà của bạn chứa đầy những phiền nhiễu tiềm ẩn, và những cám dỗ đó sẽ chiến thắng bạn nếu bạn nuông chiều bản thân. Chắc chắn trong số chúng ta sẽ có người ghiền phim, có người nghiện game và nếu chỉ ở nhà một mình, không ai quản lý thì chuyện gì sẽ xảy ra ?
Hôm nay bạn gieo sự kỷ luật, rồi ngày mai cuộc đời sẽ trả lại cho bạn những khách hàng, những dự án, những công việc Freelance mà bạn ước mơ từ trước. Vì vậy hãy tận dụng tối đa thời gian bạn ở nhà. Xem nó như một cơ hội để thử những điều mới, để tìm hiểu các phương pháp
Thiết kế môi trường làm việc của bạn
Bạn không cần phải đến công ty, cũng không cần phải thuê chỗ ngồi tại Coreworking Space. Ngay tại ngôi nhà của bạn cũng sẽ cung cấp cho bạn một môi trường làm việc lý tưởng, nếu bạn biết tận dụng nâng cấp nó cho một chặng đường dài.
Hãy tạo cho mình một không gian dễ chịu, thoải mái để bạn có thể đạt được hiệu quả làm việc cao nhất. Và dưới đây là một số điều tôi đã từng làm
Lựa chọn bàn làm việc:
Tư thế làm việc là điều quyết định đến hiệu quả công việc của bạn. Tư thế thoải mái, khoa học thì công việc càng hiệu quả và bàn làm việc sẽ quyết định tư thế của bạn. Một bàn làm việc lý tưởng cần đủ rộng để bạn có thể đặt được máy tính, bàn phím và kê tay thoải mái (từ khuỷu tay đến bàn tay đều nằm trên mặt bàn)
Nếu bạn có sẵn một cái bàn làm việc nhưng nó không đủ lớn, lúc này phải làm thế nào? Tiết lộ với bạn, bàn làm việc của tôi ban đầu cũng rất nhỏ nhưng tôi đã nâng cấp nó cho phù hợp. Bằng cách ghép thêm những tấm gỗ để diện tích bàn được rộng hơn.
Ổn định ánh sáng nơi làm việc:
Bạn muốn làm việc lâu mà không bị mỏi mắt thì bạn cần phải có một nguồn sáng vừa đủ và ổn định. Ở đây tôi chọn ánh sáng đèn vàng để làm việc bởi vì ánh sáng vàng không hại mắt, tăng độ tập trung khi làm việc. Và bạn có thể chọn một chiếc đèn bàn Pixar giống như tôi, nó cũng rẻ thôi trên dưới 200K thì phải.
Loại bỏ tiếng ồn bằng hệ thống âm thanh:
Tiếng xe cộ ngoài đường, tiếng khóc trẻ con, tiếng máy hút bụi, tiếng nấu nướng đồ ăn… rất nhiều loại tạp âm có thể làm bạn mất tập trung. Lúc này việc sử dụng tai nghe, loa là điều cần thiết. Mỗi khi cần làm việc tập trung tôi thường đeo tai nghe không dây chống ồn
Còn nếu muốn tận hưởng những khoảnh khắc thư giãn thật sự tôi sẽ sử dụng loa ngoài để chill
Luôn luôn có dụng cụ ghi chép trên bàn làm việc:
10 ý tưởng hay không bằng một mẩu bút chì và một tờ giấy nhớ. Ý tưởng sẽ chỉ là ý tưởng nếu bạn không thực hiện chúng, tệ hại hơn nữa là bạn sẽ quên cả những việc cần làm để thực hiện ý tưởng. Chính vì vậy luôn đảm bảo trên bàn làm việc của bạn luôn có bút, giấy nhớ. Hễ có ai đó giao việc, có một ý tưởng mới nảy ra hãy ghi lại ngay.
Đặt bàn làm việc cạnh cửa sổ:
Tôi thường hướng về cửa sổ mỗi khi muốn thoát mình khỏi công việc hiện tại một cách nhanh chóng. Phương pháp này được tôi sử dụng mỗi khi gặp phải căng thẳng, áp lực hoặc cần một cái gì đó mới mẻ cho công việc hiện tại của mình. Về mặt phong thủy, bàn làm việc gần cửa sổ giúp bạn nhận được nhiều năng lượng dương hơn, tinh thần sẽ luôn minh mẫn.
Sẽ năng suất hơn khi có 2 màn hình:
Thử tưởng tượng một màn hình bạn dùng để tìm kiếm tài liệu, dịch văn bản và màn hình còn lại để thiết kế, viết thì bạn đã giảm đi một nửa số thao thác không cần thiết như khi chỉ có một màn hình. Việc nắm bắt và xử lý thông tin cũng tăng gấp 2 thậm chí gấp 3 lần so với bình thường nếu bạn có 2 màn hình làm việc.
Thường xuyên uống nước trong khi làm việc:
Đừng đợi khi khát rồi mới uống, khi biết được việc Uống nước đúng cách, tôi nhận ra mình không còn bị đau họng khi làm việc trong máy lạnh, giảm bớt căng thẳng khi làm việc, và có nhiều cảm hứng hơn so với trước đây. Để hiểu uống nước đúng cách như thế nào các bạn có thể tham khảo trang web này nhé: Uống Đúng – Sống Khoẻ
Cuối cùng, dựa trên những gợi ý của tôi, bạn cũng có thể tự thiết kế cho mình một không gian làm việc phù hợp. Nên nhớ kỹ 3 điều sau trước khi bắt tay vào làm: Tiết kiệm – Thoải mái – Tiện lợi.
Lập kế hoạch cho công việc của bạn.
Làm việc tại nhà đáp ứng sự tự do cho bạn, nhưng cũng kèm theo rất nhiều cám dỗ. Tôi đã mất 2 tháng đầu tiên để tập thích nghi với điều này. Đầu tiên là việc chặn đứng thói quen ngủ nướng, vì ở nhà nên bạn thích ngủ đến bao giờ cũng được. Kết quả là khi đó tôi thường xuyên thức dậy vào lúc 11h sáng.
Bạn bắt đầu muộn, có nghĩa bạn sẽ phải kết thúc muộn. Khi đó mọi sinh hoạt của tôi đều bị đảo lộn: ăn uống không đúng bữa và kết thúc công việc vào lúc 3 giờ sáng. Và tôi cứ như vậy trong 2 tháng liền. Khoảnh khắc tôi nhận ra vấn đề và thay đổi nó là khi tôi bắt đầu lập kế hoạch.
Dù không đến công ty, nhưng tôi bắt buộc bản thân phải ngồi vào bàn làm việc lúc 8h sáng hàng ngày. Lúc này việc cần có một chuỗi To-do-list công việc là điều hết sức cần thiết. Nếu không có nó, bạn và tôi sẽ chẳng biết ngồi vào bàn để làm gì.
Theo dõi thời gian của bạn
Sẽ không có một kế hoạch nào tồn tại được qua một lần thiết lập đầu tiên so với thực tế. Lập kế hoạch chi tiết cho từng ngày là quan trọng, nhưng không có gì là đảm bảo mọi ngày sẽ chính xác như kế hoạch của bạn đề ra.
Vì vậy tôi thường cập nhật công việc của mình theo 3 loại trạng thái: Bắt đầu – Đã xong – Quá hạn. Và cứ thế sau 1 tháng tôi sẽ xem lại chính bảng báo cáo của mình. Tôi bắt đầu tìm ra được những nhóm công việc mà tôi luôn làm xong đúng hạn, trước hạn, những nhóm công việc tôi thường xuyên để quá hạn. Không dừng lại ở đó, tôi đào sâu và tìm lời giải “Vì sao những công việc này thường xuyên bị quá hạn”. Biết được nguyên nhân, bạn sẽ nghĩ ra được giải pháp. Từ đó công việc của bạn sẽ dần dần được cải thiện. Lúc này kế hoạch liên tục được điều chỉnh so với thực tại hơn bao giờ hết.
Thời gian của bạn là tài sản của bạn, hãy cố gắng tận dụng chúng thật tốt.
Giữ kết nối
Trong giữa tâm dịch, làm việc tại văn phòng sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhưng không thể phủ nhận rằng, giao tiếp trực tiếp tại văn phòng rất hiệu quả. Sự cô lập đột ngột do dịch bệnh đã phần nào làm giảm hiệu quả của hoạt động nhóm. Lúc này chúng ta cần giữ kết nối, trao đổi công việc online một cách khoa học nhất.
Nói đến giao việc online, chúng ta không thể không nhắn đến Trello. Còn họp, thảo luận nhóm thì giờ đây chúng ta đã có phần mềm Zoom.us.
Tôi đã kết hợp việc họp từ xa bằng Zoom.us và giao việc cho các cộng tác viên qua trello. Có thể nói hiệu quả không thể bằng khi bạn cùng ngồi làm việc tại văn phòng, nhưng cũng đạt được 80%, tùy và các bạn vận dụng phần mềm thế nào.
Theo Thành Lê