Xin chào các bạn, mình là Phạm Xuân Hiếu, founder & CEO của Xuanhieu.org. Suốt 2 tháng qua, ChatGPT đã trở thành một cơn sốt trên toàn cầu. Tất cả mọi tầng lớp xã hội, kể cả những người ít quan tâm đến công nghệ nhất cũng bàn tán về nó. Ngày càng nhiều những lo ngại rằng ChatGPT có thể xóa sổ rất nhiều ngành nghề ở thì tương lai, trong đó có dân Content Writer. Vậy điều đó có thực sự đúng? Và nếu đúng thì sẽ xảy ra vào khi nào? Chúng ta là dân content thì làm cách nào có thể thích nghi với viễn cảnh ấy? Hãy cùng Xuanhieu.org phân tích nhé.
ChatGPT là gì?
Định nghĩa về ChatGPT không phải là đơn giản. Có thể theo thời gian khi nó được cải tiến, thêm vào những chức năng mới thì định nghĩa sẽ thay đổi.
Nhưng đó là câu chuyện của tương lai. Còn hiện tại chúng ta có thể định nghĩa như sau: Nói một cách đơn giản, ChatGPT là một chatbot – một công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên – phản hồi các truy vấn của người dùng.
ChatGPT hoạt động giống như bộ máy tìm kiếm Google, có thể giúp ta tra cứu mọi lĩnh vực. Nhưng nó khác Google ở chỗ là trả lời theo kiểu đối thoại giữa “người – người”. AI của ChatGPT được huấn luyện liên tục để trả lời các câu hỏi liên tiếp. Cơ sở dữ liệu của ChatGPT tất nhiên là toàn bộ các thông tin trên mạng.
Với ChatGPT, chúng ta có thể yêu cầu nó trả lời câu hỏi, làm thơ, viết thư, soạn tài liệu, giáo án,…Đối với dân Content Writer, ChatGPT thậm chí có thể hỗ trợ tạo outline cho bài viết, lên kế hoạch nội dung chi tiết và viết 1 bài chuẩn SEO hoàn chỉnh. Kết quả trả về chỉ sau vài giây sau khi hỏi, thật quá ấn tượng phải không nào! Nhưng nó cũng tạo nỗi lo lớn cho nhiều ngành nghề, trong đó có dân content. Nếu AI làm được hết từ A đến Z thì còn cần con người làm gì nữa?
Thực tế ChatGPT là một công cụ, không phải là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề. ChatGPT là công cụ chưa hoàn thiện và nó còn rất nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, các công cụ tìm kiếm như Google cũng phản ứng khá thận trọng trước tương lai của các nội dung do AI tạo ra. Liệu nội dung hoàn toàn từ AI có bị đánh tụt bậc trên trang kết quả tìm kiếm? Đó có phải là xu hướng mới dành cho digital marketing?
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những lợi ích và hạn chế của ChatGPT từ góc độ nội dung chuẩn SEO. Từ đó Xuanhieu.org sẽ hướng dẫn bạn tìm ra những phương pháp ứng dụng ChatGPT tốt nhất trong quá trình tạo nội dung của mình.
Quan điểm của Google về nội dung AI tạo ra là gì?
ChatGPT được tạo nên bởi OpenAI – một công ty khởi nghiệp. Với phương thức hoạt động của ChatGPT thì nó sẽ là một mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai với chính bộ máy tìm kiếm phổ biến nhất hiện nay: Google. Lý do đơn giản rằng ChatGPT “có vẻ như” thông minh hơn và hiểu người dùng muốn gì, chưa kể nó còn trò chuyện được với họ, điều mà AI của Google tạm thời chưa làm được.
Vậy tại sao chúng ta phải quan tâm đến Google trong vấn đề này? Đó là bởi vì Google là máy tìm kiếm phổ biến nhất thế giới mà ai cũng sử dụng. Tất cả những nội dung của bạn đều qua tay nó vì vậy cần phải theo những luật chơi của Google.
Trước đây, Google đã cho rằng tất cả nội dung được tạo tự động bằng AI đều xấu. Vì họ luôn đề cao lợi ích của người đọc lên trên hết và cho rằng AI content là không tự nhiên và vô giá trị. Google đã nhiều lần lên tiếng về nội dung được tạo tự động trong nhiều năm qua nhưng quan điểm của họ đã thay đổi. Gần đây, Google đã làm rõ rằng nội dung được tạo tự động chỉ nhằm “leo top” thứ hạng tìm kiếm mới thực sự là thứ họ muốn chống lại. Trong Tweet vào tháng 1/2023, Google đã viết:
Trong phần chính sách (Policy) của mình, Google đã nêu ra các tiêu chí tạo nên 1 nội dung được coi là spam do AI tạo ra như sau:
- Văn bản không có ý nghĩa với người đọc nhưng chứa từ khóa tìm kiếm.
- Văn bản được dịch bởi một công cụ tự động mà không qua sự xem xét hoặc kiểm duyệt của con người trước khi xuất bản.
- Văn bản được tạo tự động mà không quan tâm đến chất lượng hoặc trải nghiệm người dùng.
- Văn bản được tạo từ nguồn cấp dữ liệu cóp nhặt hoặc kết quả tìm kiếm
- Ghép hoặc kết hợp nội dung từ các trang web khác nhau mà không bổ sung đủ giá trị.
Nhìn chung, dân làm content chuẩn SEO cũng đã biết các quy tắc này từ trước khi có ChatGPT. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng ChatGPT nói riêng và công cụ tạo content tự động nói chung là hoàn toàn là thứ vô giá trị trong mắt chúng ta cũng như trong mắt Google. Sau đây sẽ là những lợi ích mà ChatGPT đem lại.
Một số lợi ích của ChatGPT đối với Content Writer
Lợi ích lớn nhất của việc sử dụng ChatGPT là tốc độ. Bạn có thể nhận được kết quả cho một câu hỏi khá hóc búa chỉ trong vòng vài giây.
Những thứ liên quan đến nội dung mà ChatGPT có thể đem đến cho bạn:
- Lên lịch trình cho một chiến dịch Social Marketing
- Lên outline cho một bài viết.
- Viết bài chuẩn SEO.
- Tìm ý tưởng cho content.
- Giải quyết một số vấn đề khúc mắc trong việc tạo content.
Về lý thuyết, ChatGPT có thể cách mạng hóa cách các công ty tiếp cận tiếp thị nội dung. Nếu bạn là một doanh nghiệp nhỏ hoặc cá nhân kinh doanh có nguồn lực hạn chế nhưng cần sản xuất nội dung để tiếp thị một cách nhanh chóng, thì ChatGPT sẽ là một lựa chọn hấp dẫn. ChatGPT sẽ rút ngắn đáng kể thời gian tạo ra một nội dung có giá trị, thêm vào đó nó cũng giúp chúng ta tiết kiệm chi phí. Hãy so sánh việc chỉ trả vài chục USD/tháng để dùng ChatGPT thay vì thuê nhân sự viết content với mức phí hàng nghìn USD/tháng, bạn sẽ thấy AI lợi hại như thế nào.
Tuy vậy, như đã nói, ChatGPT chỉ là 1 công cụ và nó chưa thể (hoặc không thể) thay thế con người hoàn toàn. Sau đây sẽ là những hạn chế của nó trong lĩnh vực tạo content.
Hạn chế của ChatGPT đối với Content Writer là gì?
Một content được xếp hạng cao không chỉ cần đảm bảo các yếu tố chuẩn SEO mà còn phải tạo giá trị cho người đọc. Về vấn đề tạo giá trị thì AI có khá là nhiều hạn chế trong thời điểm hiện tại.
Một số nhược điểm của ChatGPT có thể kể đến bao gồm:
- Thiếu yếu tố E-E-A-T (xíu nữa mình sẽ giải thích cụ thể).
- Kiến thức cung cấp có thể không chính xác trên thực tế hoặc chất lượng thấp.
- Tiêu chuẩn dành cho Content Writer sẽ thấp hơn.
- Có khả năng tạo ra các kết quả tìm kiếm “tầm thường”.
Thiếu E-E-A-T
E-E-A-T là viết tắt của experience, expertise, authoritativeness and trustworthiness – kinh nghiệm, chuyên môn, thẩm quyền và độ tin cậy – là những trụ cột của một phần nội dung chất lượng.
Ví dụ, bạn cần tạo một nội dung có liên quan đến các vấn đề về y tế, tài chính,…Đó là các lĩnh vực chuyên sâu có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của chúng ta. Một lời khuyên sai về y tế có thể lấy mạng 1 người. Một lời khuyên sai về tài chính có thể đẩy 1 gia đình đến phá sản.
Vậy bạn nghĩ xem 1 “con” AI liệu có thể tốt hơn 1 bác sĩ đầu ngành hàng chục năm kinh nghiệm, hoặc 1 chuyên gia tài chính hàng đầu đất nước? Mình không dám chê bai AI, nhưng trước khi tạo một bài viết chuyên sâu về các lĩnh vực kiểu như trên, chúng ta nên tham vấn ý kiến của con người hơn là tin tưởng hoàn toàn vào máy móc.
Kiến thức cung cấp có thể không chính xác trên thực tế hoặc chất lượng thấp
Cơ sở dữ liệu của ChatGPT đến từ đâu? Nó không được kết nối với dữ liệu trên web và chỉ dựa vào dữ liệu đã được đào tạo sẵn để tạo câu trả lời.
Vấn đề ở đây là kiến thức dùng cho ChatGPT hoàn toàn là trước năm 2021. Sau năm 2021 thì không được cập nhật nữa. Mà kiến thức thì luôn được cập nhật và thay đổi từng ngày, từng tháng, từng năm. Vì thế những gì mà ChatGPT trả lời có khi không còn đúng trong hiện tại nữa.
Tiêu chuẩn dành cho Content Writer sẽ thấp hơn
Như ta đã biết, chỉ cần vài giây là ChatGPT đã tạo ra outline của một bài viết. Và thêm vài giây nữa thì ChatGPT lại cho ta luôn 1 bài 2000 từ dựa trên outline đó. Chưa bao giờ nghề Content Writer lại dễ như thế phải không?
Thực sự là dễ đối với những ai “lười”. Các người sáng tạo nội dung nếu lạm dụng ChatGPT sẽ trở nên thiếu kiến thức, thiếu tư duy phản biện. Bỗng nhiên cái nghề đòi hỏi nhiều tâm huyết và sự sáng tạo này trở nên dễ hơn. Và tiêu chuẩn dành cho Content Writer bị hạ thấp xuống.
Nhưng điều đó cũng không hẳn là xấu hoàn toàn. Khi tiêu chuẩn bị hạ thấp thì càng nhiều người sẽ gia nhập lĩnh vực sáng tạo nội dung, vì nó dễ dãi hơn. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc độ cạnh tranh sẽ cao hơn. Khi cạnh tranh cao thì các Content Writer sẽ phải nâng cấp các nội dung mà AI tạo ra, từ đó vô hình chung chất lượng content sẽ tốt hơn.
Nói tóm lại, sẽ có 2 kịch bản về Content Writer có thể diễn ra:
- Thứ nhất, những người tạo nội dung chất lượng hiện nay sẽ không còn đất sống với sự cạnh tranh của các content AI.
- Thứ hai, những người biết cách sử dụng AI để tạo content chất lượng sẽ ngày càng thành công.
Có khả năng tạo ra các kết quả tìm kiếm “tầm thường”
Hãy tưởng tượng một thế giới 10 năm nữa, nơi mọi trang web đều có nội dung do AI tạo ra. Nhiều content sẽ là sản phẩm của máy móc mà không có sự can thiệp hay hiệu chỉnh của con người.
Như đã nói ở trên, với những lĩnh vực chuyên sâu thì AI sẽ làm giảm chất lượng tổng thể của kết quả tìm kiếm. Nếu không có yếu tố con người và E-E-A-T, chất lượng của câu trả lời sẽ ở mức trung bình tốt nhất – tức là chỉ tốt ở mức mà các thuật toán AI cho phép. Và nếu bạn xem xét thực tế là một số công cụ AI – như Jasper – được kết nối với web, thì AI sẽ tạo nội dung từ các dữ liệu do chính nó tạo ra để đưa ra nhiều ý tưởng hơn. Suy cho cùng thì vẫn là máy móc tự học từ máy móc, chứ không có bàn tay từ các chuyên gia.
Vì vậy, tác động tiêu cực tiềm ẩn của AI đối với kết quả tìm kiếm là có thật. Và một trong hai điều có thể xảy ra:
- Giá trị của kết quả tìm kiếm sẽ giảm xuống.
- Giá trị của một kết quả tìm kiếm chất lượng sẽ tăng lên.
Vì tất cả những lý do này, con người phải luôn đóng vai trò nào đó trong quá trình tạo nội dung. Nếu không có chuyên gia đánh giá, nội dung chất lượng thấp sẽ ngày càng tràn lan.
ChatGPT sẽ tác động như thế nào đến SEO Content?
Công nghệ luôn luôn phát triển và con người không thể cản trở dòng chảy đó. Nếu suy nghĩ một cách tích cực, AI không phải là một đối thủ với dân Content Writer. Mà nó là một động lực để ngành sáng tạo nội dung phát triển.
Giá trị của một người sáng tạo nội dung chất lượng nằm ở chỗ biết cách sử dụng công cụ AI một cách hiệu quả. Trong vòng vài năm nữa thôi, các nội dung mà AI tạo ra sẽ ngày càng phổ biến. Vì thế nó sẽ dần trở thành tiêu chuẩn dành cho giới Content Writer: phải biết cách sử dụng AI vào trong công việc. Bởi vì nó sẽ giúp ích cho chúng ta nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là tiết kiệm thời gian.
Nhắc đến thời gian thì một câu hỏi phát sinh: Liệu ChatGPT có thực sự tiết kiệm thời gian về lâu dài?
Hãy thử suy nghĩ như thế này. Với cách truyền thống, việc tạo ra một nội dung chất lượng có thể tốn 4 tiếng đồng hồ để nghiên cứu, viết và chỉnh sửa. Giờ đây, khi có ChatGPT bạn lại mất 4 tiếng đồng hồ để định cấu hình các yêu cầu cho công cụ AI, kiểm tra thực tế dữ liệu AI, rồi chỉnh sửa bài viết mà nó tạo ra.
Như thế có nghĩa rằng nghề Content Writer sẽ thay đổi. Nhưng vẫn tốn thời gian như trước. Tất nhiên chưa có các nghiên cứu cụ thể về thời gian tạo một content chất lượng cao bằng người và bằng AI (mình xin nhấn mạnh là “content chất lượng cao”, còn với các content chất lượng thấp thì chắc chắn AI vượt trội con người rồi!).
Nhưng mình tin rằng với sự phát triển không ngừng, Content Writer sẽ biết cách sử dụng AI hợp lý nhằm tiết kiệm thời gian mà vẫn đạt kết quả tốt nhất. Khi đó không chỉ thời gian được tiết kiệm mà còn cả chi phí. Việc thuê 1 gói AI như của ChatGPT sẽ tiết kiệm hơn nhiều là nuôi 1 đội ngũ Content Writer hùng hậu.
Hạn chế duy nhất lúc này sẽ là vấn đề đạo đức. Chẳng hạn, một số trường đại học hiện nay đang cân nhắc liệu nội dung AI có phải là đạo văn hay không. Nhìn chung ta có thể thấy AI và ChatGPT có thể làm thay đổi một cách đáng kể đối với nghề tạo content trong vòng vài năm tới.
Mẹo sử dụng ChatGPT để tạo nội dung
Vậy là chúng ta đã hiểu tầm quan trọng của việc biết cách sử dụng AI trong sáng tạo nội dung. Dưới đây là một số mẹo tham khảo nếu bạn muốn sử dụng ChatGPT làm trợ lý cho Content Writer:
- Sử dụng ChatGPT để tạo ý tưởng, phác thảo và các khối thông tin tiềm năng mà bạn có thể sử dụng lại cho nội dung của mình. Để biết thêm các ví dụ cụ thể về cách sử dụng ChatGPT để tạo nội dung, hãy xem bài này.
- Duy trì sự can thiệp của con người khi tạo nội dung chất lượng cao.
- Đừng đưa cho AI những thông tin mơ hồ và rời rạc. Hãy cung cấp trước cho ChatGPT thông tin chính xác và sự hiểu biết theo ngữ cảnh. Chất lượng của đầu ra sẽ phụ thuộc vào mức độ bạn có thể diễn giải cho ChatGPT.
- Khi chỉnh sửa nội dung, hãy sử dụng một công cụ kết hợp, chẳng hạn như GPT-2 Output Detector Demo để xem liệu văn bản có giống như được viết bởi máy móc hay không.
ChatGPT là công cụ, không là giải pháp cho Content Writer
Mình khá là lạc quan về tiềm năng của ChatGPT. Nhưng vì tất cả những lý do đã nêu trong bài viết này, mình khuyên bạn nên thận trọng khi sử dụng ChatGPT để tạo nội dung.
Điều đó có nghĩa là, nếu bạn sử dụng nó, hãy đảm bảo luôn có chuyên gia đánh giá trước khi xuất bản nội dung lên web.
Một khi bạn có những nội dung chất lượng cao thì người đọc (khách hàng) cũng tin tưởng bạn hơn. Nhờ đó Google cũng sẽ đánh giá content của bạn tốt và sẽ đạt thứ hạng cao. Chúc các bạn sẽ sử dụng AI và ChatGPT một cách hiệu quả.
Theo Xuân Hiếu